ASP#7. Câu lệnh lặp trong ASP                    ASP#6. Lệnh điều kiện (if-then) trong ASP                    Thơ kể chuyện cổ tích: Sọ Dừa                    Các hàm toán học trong Excel                    Các hàm thống kê cơ bản trong Excel                    


N Nét nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh qua bài Sóng

Qua kiến thức văn học và tìm hiểu trải nghiệm tác phẩm "Sóng" em hãy chứng minh vẻ đẹp nữ tính qua thơ Xuân Quỳnh.

 Xuân Quỳnh là một trong những nhà thơ tiêu biểu của thời kì kháng chiến chống Mỹ với rất nhiều bài thơ viết rất hay, rất lãng mạn về tình yêu. “Sóng” là một bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ Xuân Quỳnh được sáng tác vào năm 1967. Đọc “Sóng” ta sẽ thấy được”Thơ Xuân Quỳnh in đậm vẻ đẹp nữ tính, là tiếng nói của tâm hồn giàu trắc ẩn, hồn hậu và luôn da diết trong khát vọng về một hạnh phúc đời thường”.

     Thơ Xuân Quỳnh nói chung và “Sóng” nói riêng là tiếng lòng của tâm hồn người phụ nữ lúc đang yêu bởi vậy nó mang nét dịu dàng, đằm thắm nhưng ẩn sâu trong đó là những cảm xúc rất chân thực, là những khát vọng mãnh liệt về tình yêu nên người ta mới nói thơ bà mang cái vẻ vừa nữ tính vừa tâm tình của tâm hồn giàu trắc ẩn. Và “Sóng” là một bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ Xuân Quỳnh. Bài thơ là tiếng lòng của người phụ nữ đang yêu với những tình cảm chân thành, với những khát khao, say mê bất tận.

     Trước hết, vẻ đẹp nữ tính của bài thơ được thể hiện qua những cảm nhận riêng về những con sóng từ đó nói lên tiếng lòng của người phụ nữ khi yêu:

“Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể”

     Nghệ thuật đối lập: dữ dội – dịu êm, ồn ào – lặng lẽ đã được nhà thơ sử dụng một cách khéo léo. Nó không chỉ diễn tả những trạng thái rất thực của con sóng ngoài biển khơi mà từ đó còn nói lên được tiếng lòng của người phụ nữ khi yêu lúc thì mãnh liệt, đằm thắm lúc lại dịu dàng, đáng yêu có khi thì khao khát, mãnh liệt… Ẩn sâu trong tâm hồn người phụ nữ khi yêu luôn có những mâu thuẫn, trăn trở về người mình yêu, về chuyện tình yêu của mình. Chính bởi những mâu thuẫn đó, con sóng của Xuân Quỳnh chứa một nội lực vô cùng mạnh mẽ: “Sông không hiểu nổi mình/ Sóng tìm ra tận bể”. Nghệ thuật nhân hóa cùng giai điệu thơ cháy bỏng, mãnh liệt đã diễn tả niềm khao khát được trải lòng mình, được hiến dâng cho tình yêu. Người phụ nữ khi yêu họ trở nên thật mạnh mẽ, cuồng nhiệt, họ sẵn sàng từ bỏ tất cả những băn khoăn, day dứt, suy tư của bản thân để tìm đến tình yêu lớn lao, nồng cháy. Bởi lẽ đó, ở khổ thơ sau nhà thơ đã thể hiện những khát vọng của mình trong tình yêu:

“Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày sao vẫn thế

Nỗi khát vọng tình yêu

Bồi hồi trong ngực trẻ”

     Các cụm từ “ngày xưa”, “ngày sau”, “vẫn thế” đi liền với nhau như một sự khẳng định rằng dù năm tháng có qua đi, thời gian có đổi thay thì tình yêu nồng nàn, mãnh liệt vẫn còn mãi ở đó. Câu thơ “Nỗi khát vọng tình yêu” đã thể hiện rất rõ cái khao khát có được tình yêu của nhà thơ. Tình yêu là một loại cảm xúc diệu kì khiến cho chúng ta phải thấy “bồi hồi”, xao xuyến khi con tim chợt rung lên một nhịp. Và Xuân Quỳnh với tâm hồn của một người con gái đang yêu đã rất thấu hiểu điều đó.

     Bởi những cảm xúc mãnh liệt, những khao khát cháy bỏng đó mà nhà thơ đã tự mình lý giải nguồn gốc của tình yêu:

“Sóng bắt đầu từ gió

Gió bắt đầu từ đâu

Em cũng không biết nữa

Khi nào ta yêu nhau?”

     Đoạn thơ là một sự giải nghĩa đầy băn khoăn về thế nào là tình yêu. Những câu hỏi như “bắt đầu từ đâu”, “khi nào” cùng câu trả lời “cũng không biết nữa” giống như lời tự nói với lòng mình về sự kỳ diệu của tình yêu. Tình yêu là một loại cảm xúc vô cùng kỳ diệu của cảm người. Không ai có thể biết được nó đến lúc nào, nó đi ra sao. Không ai có thể lý giải được tại sao người ta lại có thể nhận ra mình yêu nhau nhiều đến thế. Và người phụ nữ đang yêu này cũng vậy. Bằng cách mượn sóng và gió nhà thơ đã khéo léo thể hiện sự băn khoăn, trăn trở của chính mình về nguồn gốc của tình yêu mà chính bà cũng không thể lý giải được.

     Bên cạnh vẻ đẹp nữ tính, bài thơ cũng thể hiện khát khao da diết về hạnh phúc đời thường. Nỗi nhớ là cảm xúc rất quen của tình yêu. Người phụ nữ đang yêu đã gửi gắm cảm xúc đó vào những vần thơ của mình:

“Con sóng trên mặt nước

Con sóng dưới lòng sâu

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức”

     Một lần nữa nghệ thuật nhân hóa đã được nhà thơ sử dụng. Xuân Quỳnh đã vô cùng khéo léo khi gắn nỗi nhớ của người phụ nữ đang yêu với nỗi nhớ của sóng đối với bờ. Cách miêu tả “dưới lòng sâu” rồi lại “trên mặt nước” cho thấy một cảm giác rất mơ hồ, không thể diễn tả được. Nhà thơ đã rất thành công trong việc thể hiện nỗi nhớ kéo dài cả ngày lẫn đêm ấy. Không yêu thì không thể nhớ và không yêu đậm sâu thì nỗi nhớ không thể mãnh liệt. Nỗi nhớ của người con gái ấy tồn tại trong ý thức và đã đan xen cả vào trong tiềm thức. Dù là đang tỉnh hay đang mơ thì nỗi nhớ luôn hiện hữu đầy mãnh liệt. Đến đây ta càng khẳng định thêm vẻ đẹp của người phụ nữ trong tình yêu. Nó là tấm lòng thủy chung, luôn hướng về người mình yêu dù có ở bất kỳ nơi đâu. Khi yêu, dù cho mọi thứ có bị đảo lộn, dù cho có cách nhau giữa hai miền Nam – Bắc, dù cho có muôn vàn khó khăn, cách trở thì chỉ cần tình yêu đủ lớn, mọi thứ đều có thể vượt qua.

     Và cuối cùng Xuân Quỳnh đã khẳng định tấm lòng thủy chung, son sắt của người phụ nữ trong tình yêu:

“Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàm năm còn vỗ”.

     Khát vọng được hóa thân, khát vọng được hòa làm một có lẽ là cảm xúc mãnh liệt nhất trong tình yêu. Ở đây cảm xúc đó còn mãnh liệt hơn nữa khi nhà thơ muốn được sống trong biển lớn của tình yêu, muốn tình yêu đó luôn nồng nàn, cháy bỏng. Tình yêu ở đây được đặt trong không gian mênh mông, thời gian vô tận cùng câu hỏi “làm sao” với khát vọng muốn được tan ra đã thể hiện được cảm xúc mãnh liệt nhất của người phụ nữ khi yêu.

     Như vậy, với “Sóng”, Xuân Quỳnh đã thành công trong việc kết hợp hiện đại với truyền thống và đặc biệt trong việc nối tiếp những bài ca dao dân ca đầy trữ tình đã được lưu truyền từ bao đời nay. Đọc “Sóng” ta có thể thấy tâm hồn dịu dàng cũng như tấm lòng trắc ẩn của người phụ nữ đang yêu được thể hiện rất mãnh liệt qua thể thơ năm chữ, cùng nghệ thuật nhân hóa và sự biến chuyển của sóng và biển.

     “Sóng” là bài thơ viết rất hay, rất tình về người phụ nữ đang yêu của Xuân Quỳnh. Bài thơ không chỉ cho thấy những cảm xúc mãnh liệt của tâm hồn người đang yêu mà còn cho thấy được cái tài trên từng con chữ của nhà thơ.

                                                                                                                               (Nguồn:đăng bởi  THPT Ninh Châu)

1435 - Hoàng Thị Hương - 17/06/2022 01:30



Ảnh minh họa




Link chia sẻ bài viết
Copy
https://tritue.edu.vn/tritueyii1/index.php/post/view?id=101

Bài viết liên quan


Bài viết mới

Bài viết được xem nhiều

Chủ đề được quan tâm


tritue.edu.vn       43 members, 203895 visitors

Copyright © 2019 - 2024 by tuetamsuphu@gmail.com
All Rights Reserved.