ASP#7. Câu lệnh lặp trong ASP                    ASP#6. Lệnh điều kiện (if-then) trong ASP                    Thơ kể chuyện cổ tích: Sọ Dừa                    Các hàm toán học trong Excel                    Các hàm thống kê cơ bản trong Excel                    


C Cảm nhận về 9 câu cuối bài thơ "Vội vàng"- Xuân Diệu

 Cảm nhận của em về 9 câu cuối bài thơ "Vội vàng"- Xuân Diệu

                                                                                        BÀI LÀM 

Thơ là cây đàn muôn diệu của tâm hồn, của nhịp thở con tim, thơ diễn tả rất thành công mọi cung bậc cảm xúc của con người, niềm vui, nỗi buồn và cả sự  yêu đời, ham sống đến cuồng nhiệt. Xuân Diệu (1916-1985)- một nhà thơ lãng mạn trữ tình, mt nhà thơ mới nhất của phong trào Thơ mới giai đoạn 1930-1945 với tư tưởng tiến bộ chi phối toàn bộ sự nghiệp văn học của mình và niềm khát khao giao cảm với đời, ông đã xây dựng được một phong cách, một hồn thơ hoàn toàn mới mẻ. Tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Xuân Diệu, có thể kể đến bài Vội Vàng in tập “Thơ thơ”-một trong những bài thơ tiêu biểu nhất trước CMT8. “Vội vàng” vừa như một nguồn cảm xúc trào dâng, vừa là tuyên ngôn sống của một nhà thơ khao khát yêu đời với một hồn thơ bồng bột, khát khao giao cảm đến mãnh liệt, đến cuồng si.. 9 câu thơ khổ cuối là đoạn thơ đặc biệt nói lên lời giục giã cuống quýt, vội vàng để tận hưởng những phút giây tuổi xuân giữa mùa xuân cuộc đời; và đồng thời cũng là khúc hát khép lại bài thơ với những quan niệm nhân sinh sâu sắc:

Ta muốn ôm

Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;

Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,

Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,

Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều

Và non nước, và cây, và cỏ rạng,

Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,

Cho no nê thanh sắc của thời tươi;

  - Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!

Thời gian cứ mênh mông nhưng mùa xuân và tuổi trẻ của con người cứ ngắn ngủi.Ta chẳng thể làm được gì để biến cái hữu hạn của đời người thành cái vô hạn trường tồn cùng vũ trụ. Chỉ còn mỗi cách, đó là phải hối hả, phải đắm say mãnh liệt hơn, phải vội vàng thâu nhận đến mức độ cao nhất, nhiều nhất những vẻ đẹp nhân gian, những thứ qúy giá của tuổi trẻ, mùa xuân. Thế nên, Xuân Diệu như muốn dang tay ra ôm lấy tất cả, để mà mang theo mọi vẻ đẹp của cỏ cây, hoa lá lẫn với tiếng chim trời cùng tuổi trẻ cho lòng thôi tiếc nuối:

“Ta muốn ôm 

Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;”

Đang từ những câu thơ 8 chữ, bỗng rút ngắn lại với câu thơ 3 chữ - câu ngắn nhất trong toàn bài, làm cho giọng thơ đanh lại, rắn chắc như một mệnh lệnh đòi hỏi hiện thực hoá những khát vọng. Nếu như ở những vần thơ trên, tác giả dùng “tôi” thì ở đây, Xuân Diệu lại dùng “Ta”. Theo như Chu Văn Sơn lý giải: “Ở trên, tác giả xưng ”tôi” để đối thoại với đồng loại, ở dưới lại xưng “ta” để đối diện với sự sống”. Vậy, "Ta" ở đây là "cái tôi" đầy kiêu hãnh của thi nhân, đồng thời cũng là cái tôi của mỗi con người chúng ta. Bởi ai mà chẳng có nỗi niềm khát khao như khao khát của Xuân Diệu.. Dưới con mắt của ông, sự sống hiện lên qua từ láy “mơn mởn”, miêu tả sức sống căng tràn, tươi mới. Chính cái “mơn mởn” ấy khiến tác giả như tham lam “muốn ôm” lấy tất cả. Sự sống ấy rộng lớn lắm, bao la lắm nhưng người nghệ sĩ ấy vẫn muốn giữ chặt lấy. Ai mà chẳng muốn ôm giữ lấy những vẻ đẹp non tươi của cuộc sống: từ cái mơn mởn của một nụ hoa xuân, hoặc một nụ đời và tất cả những sự sống đang bắt đầu hé nở, để nó khỏi trôi đi, song dù có ôm chặt được tất cả, nhưng chắc gì đã giữ được cho trọn vẹn. Thế nên, đoạn thơ càng trở nên mãnh liệt cùng với các động tác vội vàng cuống quít là sự cuồng nhiệt của Xuân Diệu với đời:

“Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,”

 

“Thơ là một dạng lời nói có hệ thống ngữ điệu đặc biệt”(Timofeep). Và Xuân Diệu “đã phổ vào thơ lãng mạn Việt nam những giai điệu tân kì đến mê ly”,”họ gọi thơ ông là một thứ âm điệu cực kì du dương”,”một sự tuyệt tác của nhạc cảm”,”một nhạc điệu điếng hồn”. Những câu thơ mạnh bạo, gấp gáp, giục giã như một dòng suối ào ạt tuôn chảy, tưởng chừng ngôn từ như xô đẩy vào nhau, chen lấn nhau để cho kịp mạch cảm xúc đang bừng lên sôi nổi của nhà thơ. Vậy mới thấy, những gì thi sĩ muốn là được giao cảm với thiên nhiên, với sự sống: từ mây, gió, cánh bướm đến tình yêu, cỏ cây, non nước. Qua thủ pháp điệp từ cùng nhịp điệu hổi hả của trái tim vội vàng, từng lần từ “ Ta muốn” vang lên là từng ước nguyện được nói lên, nó như một điệp khúc bất tận để khẳng định niềm khao khát cháy bỏng muốn sống đến tận cùng cảm giác của Xuân Diệu...Mức độ giao cảm cũng dần mãnh liệt hơn: từ “ôm”, “riết”, đến “say”, “thâu” như thể hiện cảm xúc tăng tiến khi đã thành công tạo nên những làn sóng ngôn từ cộng hưởng, đan xen mỗi lúc một say sưa, càng lúc càng dâng lên cao trào.
Dù đã "ôm" rồi "riết", có chặt đến mấy đi nữa thì vẫn chỉ ở bên ngoài, nên còn đòi hỏi phải "say" cho đến tận hồn. Và dù say đến mấy đi nữa thì vẫn còn là mối quan hệ giữa khách thể và chủ thể. Nên cần phải "thâu tóm" mọi vẻ đẹp kia về phía mình. Đặc biệt, liên từ "và" được lặp lại 3 lần đã đem đến hiệu quả đầy bất ngờ trong việc diễn tả sự vồ vập, cuồng nhiệt vô hạn của nhà thơ khi được tận hưởng hương sắc của cuộc đời. Phải chăng Xuân Diệu đang nồng nhiệt đến rối rít, cuống quýt, như muốn cùng lúc giang tay ôm hết cả vũ trụ, cả cuộc đời, mùa xuân vào lòng mình? Phải chăng sống vội vàng, sống hối hả, sống nhiệt huyết như thế với Xuân Diệu mới được gọi là sống trọn vẹn?
Và tất nhiên, khi đã tận hưởng thì phải cho "đã đầy", cho "no nê":
“Cho chếnh choáng mùi hương, cho đã đầy ánh sáng,
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;”
Tận hưởng cuộc đời chính là có được cảm nhận về những điều của sự sống ở độ tràn trề nhất. Có thể nói, bằng từ "cho", một lần nữa nhà thơ đã tận dụng triệt để hiệu quả nghệ thuật của phép điệp để làm tăng cấp độ khát vọng, trọn vẹn từ tâm hồn của mình với hàng loại các từ láy: Đã đầy, chếch choáng, no nê, mơn mởn. Quả thật, Xuân Diệu đã khắc phục được giới hạn của thời gian bằng thái độ sống vội vàng, tích cực của mình. Với Xuân Diệu, thế giới này ngọt ngào, hấp dẫn như một người tình đầy xuân sắc, vì thế ta không chỉ bắt gặp một Xuân Diệu thi nhân, mà còn gặp Xuân Diệu tình nhân đang say đắm trước sự mời gọi. Đó cũng là lý do thi nhân bộc lộ một cử chỉ bồng bột khi không nén nỗi lòng mình:
“-Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi”
Cảm xúc giờ đã được cụ thể hóa bằng hành động cũng là điều hợp lí trong trái tim của nhà thơ đang yêu điên cuồng. " Hồng" là gam màu sáng, ấm, một gam màu tích cực mang đến cảm giác nồng nàn xao xuyến. Thi nhân đã rất táo bạo khi dùng một động từ "cắn" tưởng như thô thiển mà lại đầy chất thơ. Đó chỉ là cách nói về sự hưởng thụ cả tinh thần lẫn vật chất đến mức cuồng nhiệt để cực tả nỗi khát khao tận hưởng những hạnh phúc mà cuộc đời ban tặng. "Cắn"-sự cảm nhận mùa xuân độc đáo bằng vị giác đã in lên bài thơ dấu ấn riêng của Xuân Diệu về chân dung một con người đang say men tình, say men đời bằng nhịp đập của một trái tim tình yêu cuồng nhiệt.
Khép lại dòng cảm xúc của nhà thơ, ta vẫn không khỏi ấn tượng trước sự căng tràn sức sống với đời của thi nhân. “Vội Vàng” là sự kết hợp nhuần nhị giữa mạch cảm xúc dồi dào và mạch triết luận sâu sắc. Thể thơ tự do cùng thủ pháp chuyển đổi giác quan khi thể hiện cảm giác trong việc diễn tả hình ảnh, và những cách liên tưởng so sánh rất thích hợp với mạch cảm xúc của bài. Giọng thơ liên hoàn, sôi nổi như khát vọng mãi không thôi cùng ngôn ngữ thơ chọn lọc càng nổi bật sự yêu đời, ham sống của thi nhân. Tất cả đã tạo nên một đoạn thơ hay đậm phong cách thơ Xuân Diệu, mang hơi thở nồng nàn say đắm cuộc đời của một "nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới"
Xuân Diệu đã phả vào thi đàn văn học Việt Nam một hơi thở mới lạ đầy táo bạo, độc đáo ở giọng điệu và cách dùng từ và còn là kết tinh của cuộc sống, là sự thanh lọc qua tâm hồn thi nhân. Chính ý nghĩa sâu sắc ấy đã giúp “Vội vàng” tồn tại như một giá trị vĩnh cữu giữa phong ba bão táp khắt khe của thời gian và làm ta cảm thấy như Xuân Diệu vẫn đang còn hiện diện giữa cuộc đời đầy tươi mới dù đã đi vào thế giới vĩnh hằng. Hơn hết, bài thơ đã thắp lên ngón lửa cảm hứng dạt dào về khát vọng sống hết mình với cuộc đời cho lớp thế hệ trẻ như tôi với triết lí: “Sống không có tuổi trẻ như ngày mới không có bình minh”.

(Nguồn: https://selfomy.com/hoidap/455210/em-h%C3%A3y-n%C3%AAu-c%E1%BA%A3m-nh%E1%BA%ADn-v%E1%BB%81-9-c%C3%A2u-th%C6%A1-cu%E1%BB%91i-b%C3%A0i-v%E1%BB%99i-v%C3%A0ng)

1407 - Hoàng Thị Hương - 16/06/2022 14:52



Ảnh minh họa




Link chia sẻ bài viết
Copy
https://tritue.edu.vn/tritueyii1/index.php/post/view?id=76

Bài viết liên quan


Bài viết mới

Bài viết được xem nhiều

Chủ đề được quan tâm


tritue.edu.vn       43 members, 203752 visitors

Copyright © 2019 - 2024 by tuetamsuphu@gmail.com
All Rights Reserved.