ASP#7. Câu lệnh lặp trong ASP                    ASP#6. Lệnh điều kiện (if-then) trong ASP                    Thơ kể chuyện cổ tích: Sọ Dừa                    Các hàm toán học trong Excel                    Các hàm thống kê cơ bản trong Excel                    


C Cảm nhận khổ 2 bài thơ Tràng giang - Huy Cận

Cảm nhận của em về khổ 2 bài thơ Tràng giang - Huy Cận

BÀI LÀM

Khác với hồn thơ sôi nổi, nhiệt huyết gắn với công cuộc đổi mới sau cách mạng tháng 8. Thơ Huy Cận những năm trước cách mạng lại mang nét u sầu, buồn bã trước thời cuộc. Chẳng thế mà “Tràng giang” ra đời lại khắc họa nét cô đơn của cá thể trước không gian bao la của thiên nhiên. Cùng với nét u buồn khắc khoải trước không gian mênh mông, bài thơ còn là nỗi nhớ quê hương, thương đất nước đang chìm trong tang thương của thi sĩ.

Bài thơ được sáng tác vào năm 1939 in lần đầu tiên trên báo “Ngày nay” sau đó in trong tập “Lửa thiêng” – tập thơ đầu tay của Huy Cận. Cũng chính tập thơ này đã đưa ông trở thành gương mặt tiêu biểu của phong trào “Thơ mới” thời kỳ đầu. Trong đó, khổ thơ thứ hai Trang giang được đánh giá là một trong những tứ thơ hay khắc hoạ là khung cảnh u buồn mang nét đìu hiu, thiếu sức sống của thiên nhiên, qua đó bộc lộ bức tâm cảnh đa sầu đa cảm của Huy Cận.

Ngay khi đọc tên bài thơ “Tràng giang” người ta có thể hình dung được tư tưởng và tâm tư mà tác giả gửi trong đó. Tiêu đề gợi ra một con sông dài, mênh mông, bát ngát. Tuy nhiên, ẩn sau hình ảnh sông dài còn là những mảnh đời bấp bênh, trôi nổi, u sầu. Câu đề từ “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài” tiếp tục khẳng định nỗi niềm u uất, không biết tỏ cùng ai của nhân vật trữ tình trước không gian bao la của dòng sông.

Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.

Huy Cận thật khéo léo khi sử dụng hai từ láy trong cùng một câu thơ để miêu tả cảnh hoang vu, vắng vẻ hai bên bờ sông: “Lơ thơ” – thưa thớt, ít ỏi, ” đìu hiu” – vắng lặng, ít người. Trên “cồn nhỏ” làn gió phảng phất không khí buồn, ảm đạm của chốn ít người, thiếu sức sống. Nó u sầu đến nỗi không nghe thấy tiếng ồn ào của phiên chợ chiều. “Đâu” diễn tả cảm giác mơ hồ, không xác định được điểm tựa để bám víu.

Như vậy, chỉ qua vài nét chấm phá của nhà thơ đã hiện lên bức tranh quê thê lương, thiếu sức sống. Đến với hai câu thơ tiếp, dường như tác giả mở rộng tầm nhìn ra qua biện pháp đối “nắng xuống” – “trời lên” đã làm không gian mở rộng về chiều cao, có một khoảng không gian đang giãn nở ra ở giữa. Hai động từ ngược hướng “lên” và “xuống” mang lại cảm giác chuyển động.

Nắng càng xuống thì bầu trời càng được kéo cao hơn. Và điểm nhấn chính là “sâu chót vót” – không gian mở rộng cả về chiều sâu. “Chót vót” vốn là từ láy độc quyền khi nhắc đến chiều cao. Còn đã nói tới sâu thì người ta hay dùng “sâu hun hút” hoặc ” sâu thăm thẳm”,…Chính cách dùng từ ngữ đặc sắc của Huy Cận đã gợi ra khoảng không vũ trụ sâu thăm thẳm, đó cũng là lúc nỗi buồn, cô đơn của nhà thơ dâng lên cao, trở nên vô cùng vô tận.

Một góc nhìn đầy thú vị, mới mẻ. Câu thơ cuối cùng thi sĩ dùng không gian rộng để nói về nỗi cô đơn, vắng vẻ. “Bến cô liêu” – buồn, thưa thớt trơ trọi giữa không gian rộng lớn của sông, trời. Toàn cảnh khổ hai là một màu cô đơn, vắng vẻ, đối lập với hình ảnh cảnh vật thưa thớt là không gian mênh mông, nhấn mạnh hơn nỗi u sầu vạn cổ.

Qua khổ thơ, người đọc như cảm nhận được nỗi buồn giăng mắc, mơ hồ hòa quyện với cái vẻ hiu hắt, quạnh quẽ đôi bờ sông. Tâm hồn người thi nhân càng hướng về thiên nhiên chốn quê nhà, càng mong mỏi chút gì đó sưởi ấm cõi hồn lạnh giá nhưng lại càng thấy cô đơn trên chính quê hương mình.

(Nguồn: https://scr.vn/phan-tich-kho-2-trang-giang.html)

1383 - Hoàng Thị Hương - 16/06/2022 15:13



Ảnh minh họa




Link chia sẻ bài viết
Copy
https://tritue.edu.vn/tritueyii1/index.php/post/view?id=80

Bài viết liên quan


Bài viết mới

Bài viết được xem nhiều

Chủ đề được quan tâm


tritue.edu.vn       43 members, 203829 visitors

Copyright © 2019 - 2024 by tuetamsuphu@gmail.com
All Rights Reserved.